Nếu các bạn bắt đầu học tiếng Nhật, chắc chắn bạn sẽ học bảng chữ cái Hiragana đầu tiên, mà bắt đầu là “a i u e o”, sau đó sẽ là “ka ki ku ke ko”. Hôm nay GoJapan sẽ bàn với các bạn về cách phát âm tiếng Nhật. Tất nhiên là để phát âm chuẩn nhất thì bạn vẫn nên nghe người Nhật phát âm chuẩn để học, ở đây GOJAPAN chỉ nêu nguyên lý về phát âm tiếng Nhật mà thôi.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc phát âm sai là do mỗi người sẽ có một đặc điểm và thói quen phát âm khác nhau (cách đặt lưỡi, răng và cách bật hơi…). Những lỗi sai này lâu dần sẽ trở thành một thói quen rất khó bỏ.
Vậy muốn nói tiếng Nhật giỏi thì cần phát âm đúng ngay từ đầu. Việc biết cách phát âm tiếng Nhật chuẩn sẽ giúp bạn sẽ truyền đạt thông tin một cách chính xác nhất đến với người nghe thì chất lượng giao tiếp sẽ cao hơn rất nhiều.
Nếu bạn đang có ý định học tiếng Nhật online cho những ước mơ, hoặc trải nghiệm một nước Nhật với vô vàn cơ hội trong tương lai, hãy tìm hiểu các khoá học tiếng Nhật với cam kết hiệu quả thực tế, đảm bảo lộ trình học tiến bộ rõ ràng của GOJAPAN tại đây nhé:
NGỮ ĐIỆU TIẾNG NHẬT – CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
Có người Tây đã nói rằng: Người Việt nói như hát. Còn mình – một người Việt Nam học tiếng Nhật, lại thấy rằng người Nhật nói còn hay hơn cả hát. Có khi nào các bạn nghe CD thấy người Nhật nói rất hay, nhưng khi mình bắt chước lại thì nghe sao vụng về thô kệch, cố gắng mấy cũng không giống. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng một phần rất lớn là do: Ngữ điệu từ.( Tiếng Nhật: アクセント, Tiếng Anh: accent).
Ngữ điệu tiếng Nhật là gì?
Nói một cách nôm na thì ngữ điệu tiếng Nhật cũng gần giống như 6 thanh điệu trong tiếng Việt: sắc, hỏi, ngã, huyền, nặng, ngang. Thì tiếng Nhật chỉ có 3 thôi là: cao, thấp, ngang.
Lấy 1 ví dụ cho các bạn dễ hiểu:
漢字 (kanji) | ひらがな(hiragana) | Ý nghĩa | cách phát âm |
---|---|---|---|
今 | いま | bây giờ | i-mà |
居間 | いま | phòng khách | ì-ma |
橋· | はし | cây cầu | hà-shi |
箸 | はし | đôi đũa | há-shì |
- Bạn nào có điều kiện có thể nhờ người Nhật phát âm 2 từ trên để thấy rõ sự khác biệt. Ta nói rằng: Trong từ 今, chữ い cao, ま thấp. Trong từ 居間, chữ い thấp, ま cao. Hai từ trên do cách phát âm khác nhau mà có ý nghĩa khác nhau.
- Nếu bạn nói hashi với ngữ điệu trái ngược, sẽ làm người nghe lúng túng nếu bạn vẫn dùng vậy cho đến cuối bài phát biểu và không có ngữ cảnh hay hoàn cảnh nào giúp người nghe phân biệt được rốt cuộc bạn đang nói về “đôi đũa” hay “cây cầu”.
Như vậy ngữ điệu là một phần trong ý nghĩa của từ.
Tại sao lại phải sửa phát âm và ngữ điệu chuẩn Nhật?
- Nếu không sửa ngữ điệu từ sớm thì về sau sẽ thành thói quen rất khó sửa.
- Nói đúng ngữ điệu tiếng Nhật thì tự nhiên câu nói sẽ “lên bổng xuống trầm”, như hát vậy. Bạn sẽ thấy mình nói “rất hay”, tự nhiên có hứng để nói.
- Nếu bạn nói đúng ngữ điệu tiếng Nhật, thì khi giao tiếp bạn sẽ không gây hiểu nhầm. Đây là mục tiêu tối thiểu của giao tiếp. Chẳng có gì đáng ghét hơn là cứ nói chuyện một lúc thì người kia lại “Ế?” vì không hiểu mình nói gì.
- Nói đúng ngữ điệu sẽ giúp bạn đạt đến cấp độ cao nhất: Nói tự nhiên như người Nhật. Để đạt đến trình độ này đỏi hỏi rất nhiều thứ: Vốn từ, ngữ pháp, kiến thức về văn hóa… và kiến thức về ngữ điệu cũng là một trong số đó. Giả sử có một ông Tây nói tiếng Việt rất giỏi, ngữ pháp cực chuẩn, nói gì cũng biết nhưng phát âm các dấu không sõi thì mình cũng không phục hoàn toàn phải không?
Cách phát âm chính xác “nguyên âm” và “phụ âm” trong tiếng Nhật
Cách phát âm Nguyên âm:
- Nguyên âm là nguyên âm hay mẫu âm là một âm thanh trong ngôn ngữ nói, như trong tiếng Việt a hay e, được phát âm với thanh quản mở, do đó không có sự tích lũy áp suất không khí trên bất cứ điểm nào ở thanh môn (wikipedia). Trong tiếng Nhật có 5 nguyên âm cơ bản: あ (a), い (i), う (u), え (e), お (o).
- い (i) và お (o) có cách đọc tương tự như cách phiên âm, tức là vẫn có cách phát âm là “I”, “o” tương tự như tiếng Việt.
- Trong khi đó, あ (a) sẽ được phát âm nhẹ hơn một chút và う (u) thì khi phát âm sẽ có khẩu hình miệng chữ u nhưng âm thoát ra thành tiếng lại là ư, nên khi nghe, う (u) sẽ có vẻ lai giữa u và ư. え (e) cũng tưng tự như う (u) , âm thanh được phát ra lai giữa e và ê.
Khi đọc cả cụm “あいうえお” thì do tiếng Nhật có thanh điệu nên không đọc là “a i ư ê ô” mà sẽ đọc là “à i ư ề ộ” nhé. Tương tự vậy, hàng KA “かきくけこ” sẽ đọc là “cà ki cư kề cộ” trong tiếng Việt. Nhớ là phát âm nhẹ nhàng thôi (giọng thành phố nhẹ nhàng là ổn).
Cách phát âm “Phụ âm”:
- Hàng “ka” (かきくけこ): Phát âm như “ka ki kư kê cô” tiếng Việt.
- Hàng “sa” (さしすせそ): Như “sa shi sư sê sô”. Riêng “shi し” bạn không phát âm như “si” của tiếng Việt (chỉ có đầu lưỡi chạm kẽ hai hàm răng) mà phải phát âm nhiều âm gió là “shi” (áp cả lưỡi lên thành trên của miệng để tạo khe hẹp nhằm tạo ra âm gió). Tóm lại hàng này có âm “shi” là bạn phải chú ý phát âm sao cho nhiều âm gió nhất có thể. Bạn cứ tưởng tượng như phát âm “ch’si” vậy.
- Hàng “ta” (たちつてと = ta chi tsu te to): “ta te to” thì phát âm như “TA TÊ TÔ” tiếng Việt. “chi” thì như “CHI”. Riêng “tsu” thì phát âm gần như “chư” tiếng Việt nhưng hơi khác chút: Trong khi “chư” phát âm sẽ áp lưỡi lên thành trên miệng thì “tsu” chỉ chạm đầu lưỡi vào kẽ hai hàm răng để tạo âm gió ngắn và dứt khoát. Có thể tưởng tượng giống như khi phát âm “ch’xư” trong tiếng Việt vậy. Các âm “TA TE TO” thì một số người Nhật sẽ phát âm thành lai giữa “TA” với “THA”. Bạn nên phát âm “TA” rõ ràng dứt khoát hơn trong tiếng Việt bằng cách đặt đầu lưỡi vào kẽ hai hàm răng và phát âm dứt khoát.
- Hàng “na” (なにぬねの): Không có gì đặc biệt, phát âm là “na ni nư nê nô”.
- Hàng “ma” (まみむめも): Cũng không có gì đặc biệt => “ma mi mư mê mô”.
- Hàng “ra” (らりるれろ): Phát âm như “ra ri rư rê rô” nhưng nhẹ nhàng hơn, giống như lai giữa “ra” và “la” vậy. Nếu bạn phát âm “ra” theo kiểu tiếng Việt thì người Nhật nghe sẽ không hiểu. Còn nếu bạn phát âm là “la” thì người Nhật luôn hiểu. Bạn phải học cách phát âm nhẹ nhàng lai giữa “ra” và “la”. Các ca sỹ Nhật Bản khi hát sẽ phát âm là “la” cho điệu đàng.
- Hàng “wa wo” (わを): Phát âm như “OA” và “Ô”. Mặc dù “wo を” phát âm giống “o お” nhưng khi viết romaji vẫn viết là “wo” (không phát âm là “ua” đâu nhé).
- Hàng “ya yu yo”: Phát âm là “ya” (ia), “yu” (iu), “yô” (iô). Chú ý là phát âm “y” rõ và liền với âm sau chứ không phát âm thành “da”, “du”, “dô” hay “gia”, “giu”, “giô” nhé. Nếu bạn phát âm như vậy người Nhật sẽ nghe nhầm thành ざ, じゃ, v.v…. => Nên phát âm rõ ràng không nên cẩu thả.
Cách phát âm các âm ghép:
Các âm ghép dưới đây:
- きゃ kya きゅ kyu きょ kyo
- にゃ nya にゅ nyu にょ nyo
- ひゃ hya ひゅ hyu ひょ hyo
- みゃ mya みゅ myu みょ myo
- りゃ rya りゅ ryu りょ ryo
Và các âm đục:
- ぎゃ gya ぎゅ gyu ぎょ gyo
- びゃ bya びゅ byu びょ byo
- ぴゃ pya ぴゅ pyu ぴょ pyo
thì đọc đúng như cách ký âm romaji. Ví dụ “myo” đọc là “myô” hay “miô” như tiếng Việt nhưng liền với nhau.
Cách Các âm gió dưới đây thì sẽ đọc hơi khác:
- しゃ sha しゅ shu しょ sho: Đọc như “sha”, “shu” (không phải “shư” nhé), “shô” có âm gió, tức là áp lưỡi lên thành trên của miệng để đọc âm lai giữa (sha + shi’a)/2, (shu + shi’u)/2, (shô + shi’ô)/2.
- ちゃ cha ちゅ chu ちょ cho: Đọc như “cha”, “chu”, “chô” nhưng với âm gió như trên.
Âm đục của âm gió:
- じゃ ja じゅ ju じょ jo: Đọc như “ja” (gia), “ju” (giu), “jô” (giô) nhưng với âm gió như trên, ví dụ “jô” sẽ đọc lai giữa “giô” + “gi’ô”.
- ぢゃ (ja) ぢゅ (ju) ぢょ (jo): Không dùng mấy, thường dùng “じゃ ja じゅ ju じょ jo” thay thế và cách đọc cũng giống.
Các âm gió này cũng có thể viết theo dạng:
nhưng mình không khuyến khích cách viết và cách gõ này lắm vì không phản ánh chính xác cách đọc.
Cách phát âm chính xác âm mũi trong tiếng Nhật (âm “n”)
Âm “n” (ん) đứng cuối âm khác để tạo thành âm “n”, ví dụ たん => “tan”. Đọc giống như âm “n” của tiếng Việt. Tuy nhiên, nếu đứng trước âm tiếp theo là hàng “M”, “B”, hay “P” thì phải đọc thành “M” dù vẫn viết là “ん”.
Ví dụ:
- さんま sanma (cá thu đao) => Không đọc “san ma” mà là “sam ma”, khi viết cũng nên viết thành “samma” cho đúng cách đọc
- 日本橋 nihonbashi (cầu Nhật Bản) => Đọc là “ni hôm bà shi” thay vì “ni hôn bà shi”; Khi viết romaji nên viết là “nihombashi”
- 散歩 sanpo (tản bộ, đi dạo) => Đọc là “sam pô”, viết romaji nên viết là “sampo”
Nếu âm “ん” đứng riêng và đọc như đọc một chữ cái thì đọc là “un” hay tiếng Việt là “ưn/ưng”. Thường các ca sỹ khi hát thì sẽ đọc rõ từng chữ cái, ví dụ “たん” (tan) sẽ hát thành “ta ưn”. Để gõ “ん” thì bạn gõ 2 lần chữ “n”, tức là “n + n”. Hoặc bạn gõ “n” rồi gõ tiếp phụ âm tiếp theo nó sẽ tự thành “ん”.
4 NGUYÊN TẮC PHÁT ÂM TIẾNG NHẬT
Nguyên tắc phát âm số 1. Nên chú ý theo dõi khẩu hình miệng.
Nếu bạn đang tham gia một khóa học, thì nên chú ý theo dõi khẩu hình miệng, cách đặt lưỡi, đẩy hơi… của giáo viên trong các buổi học sau đó cố gắng luyện tập theo thì khi đó sẽ giúp bạn học được cách phát âm tiếng Nhật chuẩn.
Nguyên tắc phát âm số 2. Nghe thật nhiều.
Nếu kiên trì nghe trong một thời gian dài, bạn sẽ thấy kết quả của mình sẽ được cải thiện rõ rệt. Hãy nghe và nhắc đi nhắc lại, vừa học cách phát âm vừa luyện nghe tiếng Nhật mang lại hiệu quả cao mà còn giúp bạn tiết kiệm thời gian.
Nguyên tắc phát âm số 3. Thực hành nhiều.
Khi thực hành nhiều sẽ giúp bạn hình thành được những phản xạ tự nhiên cũng như sửa được những lỗi phát âm mà bạn còn mắc phải. Việc nói chuyện với bạn bè bằng tiếng Nhật hay tận dụng trong những buổi học sẽ giúp bạn tiến bộ rất nhiều giúp bạn tự tin hơn khi giao tiếp tiếng Nhật mà không còn sợ bị nói sai.
Với GoJapan, chúng tôi có ứng dụng mobile giúp các bạn có thể thực hành 1 cách nhiều nhất : cho ios và cho android
Nguyên tắc phát âm số 4. Luyện phát âm theo nguyên lý.
Đối với tiếng Việt thì khi nói thì âm thanh sẽ được tạo ra tại cổ họng nên cách phát âm nghe khá “nặng” và nhấm mạnh từ khá nhiều trong khi tiếng Nhật âm phát ra hầu hết từ vòng miệng thường nhẹ hơn. Trong tiếng Nhật có những nguyên lý phát âm nếu không biết được thì bạn khó có phát âm chuẩn và tự nhiên nhất.
Ví dụ: ni thì bạn phát âm ở vòm miệng, còn ní thì bạn cần sử dụng cả cổ họng nữa, bằng cách mở rồi đóng khí. Đó chính là phát âm cổ họng.
- Cách đọc chữ つ “tsu”: Áp lưỡi lên sát vòm trên và đầu lưỡi sát kẽ răng để cho không khí rít qua kẽ răng.
6 lỗi sai phát âm tiếng Nhật “thường gặp” của người Việt Nam
Phát âm sai từ tiếng Nhật nào đó và khiến cho người đối diện “bối rối”? Việc quen với những lỗi phát âm tiếng Nhật đã khiến cho người học phát âm tiếng Nhật “ngọng”. GoJapan liệt kê ra 6 lỗi phát âm “kinh điển mà người học tiếng Nhật nói chung và người Việt nói riêng thường mắc phải. Hãy xem xem mình có mắc phải lỗi phát âm tiếng Nhật nào không nhé!
Lỗi phát âm số 1: Không phát âm đúng âm dài – âm ngắn
Ví dụ:
いもうと em gái thì もう là âm dài còn と là âm ngắn
おとうと em trai thì とう là âm dài còn と là âm ngắn
Phát âm sai âm ngắn – âm dài:
Ví dụ:
りょこう du lịch thì りょ là âm ngắn, こう là âm dài
Với lỗi phát âm tiếng Nhật này thì bạn cần phải chú ý về ngữ điệu tiếng Nhật, về nguyên lý phát âm giữ âm dài và âm ngắn cho thuần thục.
Lỗi phát âm số 2: Không phát âm đúng âm dài – âm ngắn
Ví dụ:
ほうこう (方向, phương hướng), từ này gồm 2 âm dài phân biệt với ほこ (矛, cái mâu). Không chỉ có hàng O và hàng E mới có âm dài, ví dụ:
スーパー (super, siêu thị) là hai âm dài. Phân biệt với 2 âm ngắn スパ (spa, dưỡng thể).
Lỗi phát âm số 3: Thêm dấu nặng khi có âm lặp
Ví dụ:
にっこう (日光) đọc sai thành nịch cô thay vì nikkou.
きって (切手) đọc là kịt tê thay vì kitte.
Lỗi phát âm số 4: Tự ý bỏ qua âm gió (し) khi phát âm từ tiếng Nhật
Ví dụ しょうかい (紹介, giới thiệu) có âm gió cần phân biệt với そうかい (総会, tổng hội).
Nhiều bạn học tiếng Nhật khi đi du học phát âm しょうかい (紹介) vẫn sai, lẽ ra phải là SHOUKAI thì phát âm là SOKAI và cũng viết sai luôn.
しょくどう (食堂, nhà ăn) và そくど (速度, tốc độ) phát âm khác nhau cả ở âm gió (しょく với そく) lẫn âm dài – ngắn (どう với ど).
Việc này nằm ở ý thức rèn luyện phát âm đúng.
Lỗi phát âm số 5: Đặt dấu huyền ở âm tiết đầu và cuối
Cũng giống như tự thêm dấu sắc ở lỗi phát âm tiếng Nhật đặt dấu sắc ở trợ từ vậy, bạn cũng mắc lỗi nghiêm trọng nếu phát âm từ vựng tiếng Nhật có thêm dấu huyền ở âm tiết đầu tiên hoặc cuối cùng.
Ví dụ như なれる sẽ bị đọc thành NÀ RÊ RƯ, たべます đọc thành TÀ BÊ MA XƯ đối với âm tiết đầu. わさび đọc thành WA SA BÌ. おおさか đọc thành Ô SA CÀ.
Mắc các lỗi phát âm tiếng Nhật như thế này sẽ khiến bạn nói sai và không phải là tiếng Nhật chuẩn.
Lỗi phát âm số 6: Đặt dấu sắc ở trợ từ – lỗi nghiêm trọng nhất hay mắc phải
Chúng ta thường phát âm các trợ từ giống như phát âm dấu sắc kiểu tiếng Việt, người Nhật không lên giọng ở trợ từ. Phát âm kiểu này sẽ làm hỏng nhịp điệu cả câu. Đây là lỗi phát âm tiếng Nhật nghiêm trọng mà nếu sang Nhật thì bạn có thể phải mất rất nhiều năm để sửa.
Ví dụ WÁ, NÍ, Ế, v.v…
Cách khắc phục: Học nguyên lý PHÁT ÂM VÒM MIỆNG của tiếng Nhật và luyện tập một cách đúng đắn. Tại GoJapan, các chuyên gia sẽ đưa các bạn tiếp cận vs cách PHÁT ÂM CHUẨN, giải thích nguyên lý phát âm tỉ mỉ và chi tiết.
Đồng thời sẽ yêu cầu đọc câu và sửa phát âm cho các bạn. Như vậy thì không cần tốn thời gian học riêng phát âm và quan trọng là biết NGUYÊN LÝ PHÁT ÂM TIẾNG NHẬT để có thể luyện tập ở nhà.
Cách phát âm chuẩn tiếng Nhật: Phát âm vòm miệng
- Tiếng Nhật: Phát âm vòm miệng, tức là âm thanh được tạo ra tại vòm miệng
- Tiếng Việt: Phát âm vòm miệng và cổ họng, tức là âm thanh được tạo ra tại cả cổ họng nữa
Chú ý: Phát âm vòm miệng có nghĩa là không khí vẫn đi qua cổ họng, chỉ có điều không dùng cơ cổ họng vào việc phát âm mà thôi.
Vì thế mà tiếng Nhật nói rất nhẹ.
Bạn muốn nói chuẩn tiếng Nhật thì bạn phải học cách phát âm vòm miệng của họ và hạn chế phát âm cổ họng kiểu “watashi WÁ gakkou Ế basu ĐẾ …”
Mục tiêu phấn đấu: Bạn nên phấn đấu để nói càng ngày càng nhẹ nhàng hơn.
Mục tiêu phấn đấu của GoJapan: Làm sao để không phải nói gì ^^ Như thế mới là nhẹ nhàng đích thực!
———————
1 khoá học tiếng Nhật mất bao nhiêu tiền?
Đừng lo lắng điều đó nữa, GOJAPAN sẽ giúp bạn đến gần hơn với ngôn ngữ này.
Cũng giống như Duolingo và NHK bằng đội ngũ giảng viên dày dặn kinh nghiệm, Gojapan cũng có hệ thống trang web và ứng dụng để cho các bạn tiếp cận với tiếng Nhật tốt hơn.