Đọc hiểu là phần thi vô cùng quan trọng trong tất cả các kỳ thi của bất cứ ngôn ngữ nào. Tiếng Nhật cũng không phải ngoại lệ, Dokkai – Đọc hiểu là một thách thức không nhỏ đối với người học và dự thi. Đây có thể coi là một trong hai phần khó nhất và dễ bị điểm liệt nhất trong kì thi JLPT (sau Nghe hiểu).
Trong bài viết này, GoJapan sẽ chia sẻ tới các bạn cách làm bài và 6 tips làm bài đọc hiểu JLPT tiếng Nhật để đạt điểm cao nhất trong mỗi kì thi JLPT nhé!
Các dạng bài đọc hiểu JLPT từng cấp độ
Trước tiên chúng ta cùng xem ở mỗi cấp độ bài thi JLPT phần đọc hiểu sẽ bao gồm những dạng bài nào.
DẠNG BÀI ĐỌC HIỂU JLPT N5 – N4
Với 2 cấp độ mở đầu này, vì kiến thức ở trình độ Sơ cấp khá đơn giản nên phần thi đọc hiểu mới chỉ có 3 dạng bài:
- Đọc đoạn văn ngắn: đọc hiểu được nội dung của một văn bản dài khoảng 80 chữ (N5) và 150 chữ (N4) về các ngữ cảnh, các vấn đề có liên quan đến cuộc sống, học tập hay công việc.
- Đọc đoạn văn trung bình: đọc hiểu được nội dung của một văn bản dài khoảng 250 chữ (N5) và 450 chữ (N4) về đề tài có liên quan đến cuộc sống hàng ngày.
- Tìm kiếm thông tin: tìm ra những thông tin cần thiết trong các bản tin, bản hướng dẫn… có khoảng 250 chữ (N5) và 400 chữ (N4) Hán tự cơ bản.
DẠNG BÀI ĐỌC HIỂU JLPT N3
Lên tới trình độ trung cấp N3, mức độ khó bắt đầu tăng lên và các dạng bài cũng có khác biệt một chút so với Sơ cấp:
- Đọc đoạn văn ngắn: đọc và hiểu được nội dung của một văn bản dài khoảng 150 – 200 chữ, thể loại chỉ thị, văn giải thích,… với nội dung có liên quan đến công việc và cuộc sống.
- Đọc đoạn văn trung bình: đọc nội dung của một văn bản dài khoảng 350 chữ, thể loại tự luận hoặc văn giải thích… Biết được các mối quan hệ nhân quả, từ khóa…
- Đọc đoạn văn dài: đọc nội dung của một văn bản dài khoảng 550 chữ, thể loại thư từ hoặc tự luận, văn giải thích,… Biết cách khái quát, nắm được hướng triển khai của các lí luận.
- Tìm kiếm thông tin: tìm ra những thông tin cần thiết trong các bản tờ rơi, quảng cáo,… có khoảng 600 chữ.
DẠNG BÀI ĐỌC HIỂU JLPT N2
Bước sang trình độ Cao cấp, các dạng bài đọc sẽ đa dạng hơn và cần phải vận dụng nhiều kỹ năng đọc hiểu hơn. Các mondai được chia thành 5 dạng sau:
- Đọc đoạn văn ngắn: đọc và hiểu được nội dung của một văn bản dài khoảng 200 chữ, thể loại chỉ thị, văn giải thích,… với nội dung có liên quan đến công việc và cuộc sống.
- Đọc đoạn văn trung bình: đọc nội dung của một văn bản dài khoảng 500 chữ, thể loại văn giải thích, tự luận hoặc bình phẩm… Nắm được khái quát cách suy nghĩ của tác giả, hiểu được các mối quan hệ nhân quả và lí do…
- Đọc hiểu tổng hợp: đọc nội dung của một số văn bản dài khoảng 600 chữ, biết cách tổng hợp và so sánh đối chiếu.
- Đọc hiểu chủ đề: đọc nội dung của một văn bản dài khoảng 900 chữ, thể loại văn lí luận, bình phẩm mang tính so sánh… Nắm bắt ý kiến, chủ trương cần truyền đạt trong tổng thể đoạn văn.
- Tìm kiếm thông tin: tìm ra thông tin cần thiết trong các bản tờ rơi, quảng cáo, thông tin trong tạp chí, thương mại… có khoảng 700 chữ.
DẠNG BÀI ĐỌC HIỂU JLPT N1
Bài đọc hiểu ở cấp độ này bao gồm tất cả các dạng bài xuất hiện từ N5 đến N2, đòi hỏi người dự thi phải có vốn kiến thức và kỹ năng vô cùng vững chắc:
- Đọc đoạn văn ngắn: đọc và hiểu được nội dung của một văn bản khoảng 200 chữ, thể loại văn giải thích, chỉ thị… với nội dung có liên quan đến công việc và cuộc sống.
- Đọc đoạn văn trung bình: đọc nội dung của một văn bản khoảng 500 chữ, thể loại văn giải thích hoặc tự luận, bình phẩm… Hiểu được các lí do, các mối quan hệ nhân quả…
- Đọc đoạn văn dài: đọc nội dung của một văn bản khoảng 1000 chữ, thể loại văn giải thích hoặc tự luận… Biết cách khái quát, nắm được suy nghĩ của tác giả…
- Đọc hiểu tổng hợp: đọc nội dung của một số văn bản (khoảng 600 chữ), biết cách vừa tổng hợp vừa so sánh đối chiếu.
- Đọc hiểu chủ đề: đọc nội dung của một văn bản khoảng 1000 chữ, thể loại văn mang tính lí luận, tính trừu tượng chẳng hạn như bình phẩm, xã luận… Nắm bắt được ý kiến, chủ trương cần truyền đạt trong tổng thể đoạn văn.
- Tìm kiếm thông tin: có thể tìm ra những thông tin cần thiết trong các bản quảng cáo, tờ rơi, thông tin trong tạp chí, thương mại… có khoảng 700 chữ.
Các bước làm bài đọc hiểu JLPT
Đối với mỗi bài đọc hiểu nói chung, chúng ta sẽ triển khai theo các bước cụ thể như sau:
BƯỚC 1: Đọc lướt toàn bộ bài đọc
Văn phong của người Nhật phần lớn thuộc 2 dạng:
- Diễn giải: câu đầu đoạn là câu chủ đề
- Quy nạp: câu cuối đoạn là câu chủ đề
Do đó, khi đọc lướt các bạn nên chú ý trọng tâm vào các câu đầu đoạn/ cuối đoạn để nắm được ý chính của bài.
BƯỚC 2: Đọc câu hỏi
Đọc nội dung câu hỏi thật kĩ xem người ra đề muốn hỏi gì. Nhiều bạn, vì không đọc kĩ câu hỏi cho nên đã xác định sai chủ/vị và ý đồ của tác giả, mà chọn đáp án sai ngay từ khi mới bắt đầu.
Do đó, hãy đọc hiểu kĩ nội dung câu hỏi nhé!
Lưu ý: Chỉ đọc câu hỏi, KHÔNG đọc câu trả lời. Mục đích để tránh bị loạn và xao nhãng giữa các ý đúng với các ý gây rối.
BƯỚC 3: Quay lại đọc bài đọc chính
Ở bước này, chúng ta vừa đọc, vừa dịch thầm ở trong đầu. Gạch chân những ý trọng tâm mà na ná ở phần câu hỏi ban nãy đã đọc (Có thể áp dụng gạch chân từ khóa)
Chú ý nhất vào các câu liên từ, các từ nối: しかし hay ただしなお… Vì đằng sau chúng chính là phần đổi ý của tác giả.
BƯỚC 4: Trả lời lần lượt từng câu hỏi, đọc kĩ câu trả lời của từng câu hỏi
Sau khi làm 3 bước trên, đến bước 4 này ta đã nắm chắc được nội dung bài đọc. Đọc kĩ nội dung câu trả lời, gạch chân những ý khác biệt giữa 4 đáp án.
Để chắc chắn hơn, ta có thể nhìn lại những từ đã gạch chân trong bài (Bước 3) và đối chiếu với các đáp án.
Và ta đã có thể biết được câu nào đúng, câu nào sai.
Áp dụng đúng 4 bước trên, những đáp án chúng ta phân vân sẽ không còn nữa, các bạn sẽ rất khó “bị lừa”.
6 tips làm bài đọc hiểu JLPT
Nắm được sơ lược cách làm bài đọc hiểu JLPT rồi, chúng ta cùng học thêm những tips làm bài nhỏ để đọc bài hiệu quả hơn nhé!
TIP 1: TỪ KHÓA
Từ được lặp lại nhiều lần chính là từ khóa. Hãy xem kỹ nội dung câu văn chứa từ khóa.
Trong bài tập đọc hiểu tiếng Nhật, có một quy tắc mà ai cũng cần phải nhớ nằm lòng: “từ” được lặp lại nhiều lần chính là “từ” mà lúc nào tác giả cũng nghĩ đến. Tức là từ khóa trong suy nghĩ của tác giả.
Chính vì thế, đoạn văn chứa từ khóa đa số là giải thích cho từ khóa đó (giải thích suy nghĩ của tác giả), hoặc là quan điểm của tác giả. Nên tuyệt đối không được bỏ qua những đoạn văn như vậy.
TIP 2: CẤU TRÚC
Cần xem kỹ nội dung nếu xuất hiện dạng câu nghi vấn phủ định như “Chẳng phải là…hay sao?”
Khi làm bài tập đọc hiểu JLPT cần hết sức chú ý với ngữ pháp 「 ではないだろうか。」 – chẳng phải là hay sao.
VD:「 Aではないだろうか。」“Chẳng phải là A hay sao?”
Đây là cách diễn đạt thể hiện ý kiến của bản thân mình một cách chừng mực, có nghĩa là “Tôi nghĩ là A đấy”.
Chẳng hạn:
彼は笑っているけれど、寂しくないだろうか?
→ 彼は寂しいと思います。
Mặc dù vẫn tươi cười nhưng chẳng phải là anh ta cũng đang đau khổ đấy hay sao?
→ Tôi nghĩ là anh ấy đang đau khổ.
Chính cách nói chừng mực ấy đã chứa đựng quan điểm, ý định thực sự của tác giả.
Tất nhiên, câu hỏi trong đề thi JLPT cũng thường liên quan đến nội dung đó. Hãy thật tỉnh táo với những “bẫy” như vậy trong bài đọc hiểu JLPT tiếng Nhật nhé.
TIP 3: PHẦN GẠCH CHÂN
Câu hỏi về nội dung và lý do của phần được gạch chân, sẽ có gợi ý nằm ở ngay trước hoặc sau nội dung được gạch chân đó
Rất hiếm khi có bài tập đọc hiểu JLPT tiếng Nhật nào mà phần gợi ý trả lời nằm xa phần gạch chân. Hầu hết các trường hợp bạn nên đọc qua nội dung ngay trước và sau phần gạch chân, chắc chắn bạn sẽ tìm được câu trả lời.
Bạn hãy đọc kỹ phần nội dung ngay trước và sau phần gạch chân xem sao nhé!
TIP 4: THÔNG TIN MẤU CHỐT
Hãy xem qua những thông tin mấu chốt (tiêu đề, từ vựng được chú thích bên dưới đoạn văn…) trước khi đọc. Hiểu được chủ đề đoạn văn, khả năng lý giải sẽ tốt hơn
Khi đọc một đoạn nào đó trong bài đọc hiểu tiếng nhật thì giữa ‘đọc mà không biết chủ đề’ với ‘đọc mà biết rõ chủ đề’, cái nào sẽ dễ hiểu hơn?
Đương nhiên là đọc mà biết rõ chủ đề sẽ dễ dàng hiểu được nội dung đoạn văn hơn rồi.
Trước khi đọc toàn bài, nếu đọc qua những thông tin mấu chốt trước sẽ hiểu được đại khái nội dung đoạn văn trước khi đọc câu hỏi.
Đọc phần mấu chốt đoạn văn chỉ khoảng 1 hoặc 2 giây. Chỉ cần như thế, khả năng lý giải vấn đề sẽ được cải thiện.
TIP 5: TỪ NỐI
Nếu có xuất hiện từ nối mang nghĩa trái ngược như từ “tuy nhiên” thì đoạn văn ngay sau những từ này thường có nội dung rất quan trọng.
Tại sao tác giả phải thay đổi cả mạch văn bằng từ “tuy nhiên” như vậy?
Đoạn văn sau chữ “tuy nhiên” thường có nội dung trái ngược với mạch văn ban đầu, và là điều tác giả đang muốn trình bày ý kiến, quan điểm của mình.
Chính vì thế, đoạn văn ngay sau từ “tuy nhiên” thường là nội dung chính, là mấu chốt của bài đọc hiểu.
TIP 6: VÍ DỤ
Nếu có diễn đạt bằng ví dụ thì cũng nên xem qua phần giải thích nội dung đó
Trong bài đọc hiểu tiếng Nhật sẽ có những đoạn tác giả cố ý diễn đạt bằng ví dụ. Nên hiểu rằng diễn đạt bằng ví dụ là cách diễn đạt gián tiếp. Vì thế, nếu tùy tiện lý giải bằng suy nghĩ của chính mình sẽ dễ dẫn đến hiểu sai ý tác giả.
Trường hợp nội dung diễn đạt bằng ví dụ được hỏi trong đề thi JLPT, thì nhất định sẽ có phần giải thích nội dung ngay sau ví dụ đó. Chỉ cần nắm bắt phần nội dung này sẽ hiểu được chính xác ý nghĩa ví dụ được đưa ra trước đó.
Vừa rồi là các bước làm bài và 6 tips làm bài đọc hiểu JLPT hiệu quả mà GoJapan chia sẻ tới các bạn. Hãy note lại và áp dụng ngay thôi nào!
Luyện Đọc Hiểu Trên App Học Tiếng Nhật GoJapan
Với App học tiếng Nhật online GoJapan bạn có thể học mọi lúc mọi nơi, chỉ cần có mạng và 1 chiếc điện thoại. Tranh thủ lúc nghỉ giải lao, lúc đi tàu xe, tận dụng thời gian chết.
Các mẫu bài tập đa dạng phong phú, đầy đủ các loại đọc hiểu trên các kỳ thi JLPT
App GoJapan có phần miễn phí và có trả phí. Các bạn hoàn toàn có thể trải nghiệm hoặc sủ dụng đầy đủ các tính năng của phần mềm.
GoJapan – Đường tới nước Nhật – Học Tiếng Nhật online – Tư vấn xuất khẩu lao động
Tham khảo ngay các khóa học JLPT của GoJapan, nhấn vào để đăng ký học thử miễn phí nhé!